Bí quyết dạy con trẻ hình thành thói quen sống gọn gàng, ngăn nắp

Hình thành cho con trẻ một thói quen sống gọn gàng, ngăn nắp sẽ giúp con chủ động tạo cho mình một lối sống lành mạnh và khoa học. Sau này khi con đến tuổi trưởng thành, sẽ không cần đến sự nhắc nhở thường xuyên của ba mẹ nữa mà con sẽ tự giác sắp xếp, bố trí đồ đạc xung quanh mình vào vị trí thích hợp nhất.

Thực tế gần hơn đó là bố mẹ sẽ cảm thấy vui vẻ và mát mắt sau những giờ làm việc căng thẳng bởi khi về nhà, mọi thứ được sắp xếp và bày trí một cách khoa học và có trình tự. Chính sự gọn gàng, ngăn nắp ngay từ khi còn bé này giúp trẻ tự rèn luyện cho mình sự tự giác, trách nhiệm, qua đó tạo nền tảng cho trẻ sự vững vàng và chính chắn hơn trong cuộc sống tự lập của trẻ sau này. Bố mẹ hãy cùng Tin Tức Thế Giới Mẹ và Bé tìm hiểu những Bí quyết dạy con trẻ hình thành thói quen sống gọn gàng, ngăn nắp.

 1. Để trẻ làm chủ không gian riêng của mình

Không phải cha mẹ nào cũng có điều kiện để dành cho con của mình một căn phòng riêng. Thay vào đó, bạn có thể tạo cho con một góc học tập, góc ăn uống hay sinh hoạt riêng. Trẻ sẽ quen dần với việc đúng chỗ đúng việc, đơn cử như không học ngoài bàn ăn, không ăn uống khi ngồi máy tính,… Điều đó đồng nghĩa với việc khu vực của con sẽ do con quản lý, bố mẹ sẽ là người theo dõi và thưởng phạt theo cách thực hiện của con.

 2. Đặt ra những quy tắc và dạy trẻ ghi nhớ

Hãy dán một bảng nội quy nhỏ trên bàn học của trẻ và yêu cầu trẻ phải chấp hành thật nghiêm những quy tắc trong đó. Theo đó trẻ sẽ phải thực hiện các quy tắc trên và bạn phải có nhiệm vụ hướng dẫn cho trẻ chứ hoàn toàn không phải là những quy tắc suông. Mọi vật dụng mà trẻ dùng hằng ngày sẽ có chỗ để riêng cho nó, kể cả đồ chơi hay bát đũa mà trẻ ăn hàng ngày. Đó sẽ là một quy định được thực hiện cho đến khi thành thói quen và nếp sống nếu bé không muốn nhận những hình phạt khác từ bố mẹ.

 3. Bố trí nơi để vật dụng hợp lý

Trẻ nhỏ có vô số đồ dùng lặt vặt cần chỗ để thật ngăn nắp. Bạn nên sắm cho trẻ một chiếc bàn có kệ sách ở trên để trẻ có thể sắp xếp sách sở ngay đó, một cái túi để đựng tất cả những bài kiểm tra, những chiếc nơ hay chiếc mũ đi học cũng cần một chỗ để hợp lý. Có thể trẻ còn nhỏ nên sẽ không thể tự mình sắp xếp tất cả những vật dụng trên được, bạn nên giúp trẻ sắp xếp lại thật gọn gàng và sau đó hãy nhắc nhở trẻ theo những quy tắc ở trên. Lưu ý rằng trẻ còn nhỏ nên chiều cao hạn chế, bố mẹ nên sắp xếp sao cho vừa với tầm tới của con mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

 4. Phân loại những nhóm đồ dùng cần thiết

Phân loại đồ dùng là cách giúp trẻ gọn gàng và tiết kiệm thời gian hơn khi trẻ cần dùng đến đồ dùng đó. Công việc của bạn là hãy giúp trẻ phân loại và gom những nhóm đồ dùng có chung mục đích sử dụng về một nơi mà trẻ dễ tìm nhất. Theo đó, trẻ sẽ dễ dàng tìm thấy những vật thường dùng được đặt bên ngoài và những gì chưa dùng đến được cất vào tủ. Cách làm này sẽ giúp trẻ tự biết sắp xếp mọi chuyện theo hướng logic và tư duy khoa học trong những dự định của mình từ việc nhỏ nhặt nhất.

Với những đồ dùng đã được phân loại, bạn hãy dạy con dán nhãn lên chúng. Mục đích của việc làm này không gì hơn là để tiện cho việc tìm kiếm về sau. Như vậy, khi cần dùng đến, trẻ không phải lục tung các thùng lên để xem bên trong có gì. Hãy dạy cho trẻ biết đây chính là cách tiết kiệm thời gian và công sức, một việc làm của những người biết dùng cái đầu để làm việc

 5. Hướng dẫn cho trẻ tận tình

Để hình thành được nhận thức về trách nhiệm và tập thành một thói quen, trẻ cần nhận được sự chỉ dạy tận tình từ cha mẹ mình. Bạn có thể làm mẫu và để trẻ ngồi theo dõi công việc của bạn làm. Sau đó, để trẻ thực hành lại ngay sau đó. Nếu trẻ làm không đúng công đoạn gì hay không đạt yêu cầu, bạn phải lập tức sửa dạy ngay. Cách làm tận tình như vậy sẽ khiến trẻ nhớ lâu và không phạm lại sai lầm. Tương tự, bạn có thể chỉ dạy con trong mọi công việc khác. Đôi khi, bạn cũng nên đòi hỏi trẻ hơn khi đã thuần thục những gì bạn chỉ. Đó là cách để trẻ tự khám phá khả năng của mình.

 6. Lập thời gian biểu cho trẻ

Bạn hãy lập cho trẻ thời gian biểu và hãy đảm bảo là trẻ có khả năng thực hiện những việc đó. Điều này sẽ tốt cho đồng hồ sinh học của trẻ. Đồng thời, nó sẽ giúp bé sớm hình thành mọi đòi hỏi như một thói quen. Trẻ sẽ hành động một cách tự giác với tính kỉ luật cao hơn mà không cần đến sự đôn thúc hàng ngày của bố mẹ. Lúc này, có lẽ bạn cũng sẽ hãnh diện vì con.

 7. Tập cho trẻ bỏ đi những vật dụng dư thừa

Những vật dụng cũ và không dùng đến luôn chiếm mất một khoảng không gian không nhỏ trong gia đình, nhất là đối với những gia đình có diện tích nhỏ. Vì vậy, bạn hãy cũng bé góp nhặt những gì không cần thiết và lập kế hoạch để giải quyết nó sao cho hợp lý nhất. Bạn có thể cho con làm kế hoạch nhỏ, giúp đỡ các bạn cùng lứa có hoàn cảnh khó khăn bằng những đồ vật này hoặc tập cho bé cách chắc chiu những đồng lẻ bán đồ cũ cho dù là nhỏ nhất.

 8. Noi theo gương của bố mẹ

Trẻ nhỏ luôn thích làm theo những gì mà trẻ thấy mọi người xung quanh làm. Vì vậy mà bạn không thể bắt con sống ngăn nắp, gọn gàng trong khi mình lại sống bừa bộn, vứt đồ đạc lung tung. Hãy cố gắng rèn mình vào nếp sống để con nhìn bạn như một tấm gương. Không chỉ có chuyện đồ đạc, ngay cả cách ăn mặc của bố mẹ cũng thể hiện bạn là người chỉnh chu hay luộm thuộm. Không nhất thiết bạn phải có đồ mới luôn luôn, lúc nào cũng trau chuốt mỹ miều. Điều đó chưa hẳn đã tốt cho bạn và con. Chỉ cần quần áo tinh tươm, sạch sẽ, gọn gàng cũng đủ làm con thấy yêu bạn từ cách nhìn.Hãy luôn là hình mẫu lý tưởng để con có thể học tập và tự hào về bố mẹ của mình.

Trả lời