Bệnh bướu máu ở trẻ sơ sinh và những điều mẹ nên biết để chăm con tốt hơn

Bướu máu hay còn gọi là u máu là loại bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Trung bình có khoảng 10% trẻ sơ sinh mắc bệnh này. Biểu hiện ban đầu chỉ có một chấm đỏ mờ và có xu hướng lan rộng khi trẻ được 2 -3 tháng. Có 3 loại u máu là u máu dưới da, u máu phẳng và u máu gồ. Dưới đây là những thông tin về bệnh u máu mà mẹ cần phải biết để chăm sóc trẻ tốt hơn.

#Tỉ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh

Bướu máu thường chỉ xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuổi. Khoảng 4-10% các bé sẽ có ít nhất một bướu máu trong người. Tỉ lệ bướu máu ở bé gái nhiều gấp 3-5 lần bé trai. Những trẻ sinh non thì nguy cơ có bướu máu nhiều hơn, tỉ lệ là 25%.

#Nguyên nhân gây bệnh bướu máu

U máu là một loại bướu lành tính và không phải là bệnh nan y. Chúng được tạo nên do các tế bào nội mô hay các tế bào lót trong mạch máu sinh sản nhanh chóng và tạo thành bướu.

Hiện nay chưa xác định được nguyên nhân gây ra bướu máu. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu y khoa khẳng định nó không phải là bệnh tật và không có tính di truyền.

#Thời điểm bướu máu xuất hiện

Bướu máu ở trẻ sơ sinh xuất hiện sau khi bé chào đời 7 đến 10 ngày. Nếu thấy xuất hiện ngay khi mới sinh thường sẽ là bướu máu phẳng hay dị dạng mạch máu. Nếu xuất hiện ở người lớn thì triệu chứng không phải là bướu máu.

#Sự phát triển của bướu máu

Bướu máu phẳng là loại bướu máu sẽ không phát triển từ khi xuất hiện và chỉ to lên theo tỉ lệ phát triển của bé.

Một dạng khác sẽ phát triển to dần từ khi xuất hiện và đặc biệt to nhanh chóng khi bé được 2,5 – 9 tháng tuổi. Sau đó bướu thoái hóa, chuyển dần thành bướu sợi – mỡ và hòa lẫn vào mô mỡ bình thường. Sự thoái hóa diễn ra được 50% khi bé 5 tuổi, 70% khi bé 7 tuổi và kết thúc khi bé 10-12 tuổi.

Trong giai đoạn tăng trưởng của loại bướu có sự thay đổi kích thước, bướu sẽ có màu đỏ tươi, bề mặt căng và nóng hơn vùng da bình thường. Khi thoái hóa, màu của bướu cũng nhạt hơn và bề mặt trở nên nhăn nheo do kích thước giảm dần, độ nóng cũng giảm theo.

#Cách điều trị bướu máu ở trẻ sơ sinh

Thường chứng này được điều trị theo 3 cách:

  • Phá hủy bướu bằng các công nghệ như đốt nhiệt, đốt lạnh, tia xạ, chiếu laser để triệt tiêu các tế bào bướu hoặc dùng dao cắt mổ bỏ bướu.
  • Dùng thuốc hoặc hóa trị để kiềm hãm sự phát triển của bướu.
  • Không can thiệp và xử lý di chứng sau khi bướu thoái hóa.

Tùy theo tình hình của bướu mà bác sĩ sẽ quyết định cách điều trị hợp lý. Tuy nhiên đây là bướu lành nên cần chú trọng về thẩm mỹ khi xử lý và cha mẹ không nên quá lo lắng. Tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đến các bệnh viện Nhi hoặc khoa nhi để được các bác sĩ tư vấn rõ hơn về cách điều trị hợp lí.

 

Trả lời