6 điều cần lưu ý khi cho con đi nhà trẻ
Hiện nay xuất hiện nhiều thông tin về các bé bị cô giáo đánh đập, ngược đãi, bạo hành… khiến nhiều bố mẹ lo lắng khi cho bé đi nhà trẻ. Nhưng đi nhà trẻ là việc rất cần thiết mà bé nào cũng phải trải qua, để bé học cách giao tiếp và thích nghi với môi trường học tập. Chính vì thế, bố mẹ cần lưu ý đến những vấn đề sau để việc đi nhà trẻ trở nên dễ dàng và tốt cho sự phát triển của bé sau này.
#1. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi gửi chính thức
Thông thường trước khi cho con đi nhà trẻ chính thức, bố mẹ cần quá trình tập cho trẻ làm quen với việc xa mẹ và làm quen với môi trường mới. Qúa trình này có thể kéo dài khoảng vài tuần tới một tháng tuỳ theo mức độ thích nghi của bé. Chia làm 3 giai đoạn.
- Giai đoạn 1: Bố mẹ đưa con ra thăm quan nhà trẻ, làm quen với cô giáo và cho trẻ chơi đùa với các bạn 30 phút – 1 giờ.
- Giai đoạn 2: Sau vài ngày làm quen, khi trẻ cảm thấy hứng thú hơn sẽ gửi một buổi, trưa đón trẻ về.
- Giai đoạn 3: Khi trẻ đã quen với môi trường mới, bố mẹ cho con đi cả ngày. Khi chuyển sang giai đoạn này, bố mẹ cần đón con sớm hơn các bạn một thời gian. Cho đến khi con hoàn toàn thích nghi với trường học thì sẽ đưa đón như các bạn đồng trang lứa.
#2. Thời điểm thích hợp cho bé đi nhà trẻ
Theo các chuyên gia, 3 tuổi là thời điểm thích hợp nhất để cho bé đi nhà trẻ, nếu các bố mẹ cho bé đi trước 2 tuổi là quá sớm, vì ở độ tuổi này tâm lí các bé chưa ổn định và chưa quen với việc xa cha mẹ và người chăm sóc. Thêm vào đó, việc cho bé đi quá sớm sẽ rất nguy hiểm vì dù trẻ có bị bạo hành cũng không thể mách với bố mẹ.
Mặt khác, cho trẻ đến trường sớm quá, sự thích nghi sẽ kém hơn các trẻ cùng trang lứa, trẻ sẽ không thể hoà đồng ngay với môi trường mới dẫn tới việc sợ đến lớp, thường xuyên bị ốm, giảm cân, có bé còn bị tiêu chảy hay táo bón do hội chứng sợ đến lớp. Tuy nhiên, có rất nhiều gia đình không có điều kiện để chăm sóc trẻ ở nhà, nên vẫn có những bé phải đến lớp trước 3 tuổi.
#3. Chọn những cơ sở gửi trẻ có uy tín
Trước khi chọn trường, bố mẹ nên đến thăm trường định gửi bé. Bạn cần tìm hiểu kĩ về môi trường của trường học, quan tâm tới cách hành xử của giáo viên đứng lớp và chính sách của nhà trường. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần tham khảo thêm ý kiến của các phụ huynh đã và đang gửi ở trường đó.
Nếu gia đình bạn có điều kiện, hãy chọn cho bé các trường tư thục có chất lượng cao đặc biệt là có camera để tiện cho bố mẹ quan sát các hoạt động của con mình.
#4. Trao đổi với giáo viên đứng lớp về những thói quen hằng ngày của bé
Ngày đầu tiên gửi con đến lớp, bố mẹ cần trao đổi rõ ràng với cô giáo về tính cách, thói quen của trẻ và dặn dò hoặc nhờ vả để các cô lưu ý chăm sóc trẻ. Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm của trẻ như những loại thức ăn dị ứng với trẻ, tiền sử bệnh của trẻ hay các loại thức ăn mà trẻ dễ ăn…
#5. Thường xuyên trò chuyện, làm bạn với trẻ
Những ngày đầu đến lớp là lúc trẻ nhạy cảm nhất, nếu các bố mẹ không chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ sẽ dễ dẫn đến các bệnh trầm cảm, tự kỉ… ảnh hưởng đến việc phát triển của trẻ sau này. Vì vậy, khi bé ở với gia đình, bạn hãy để bé thoải mái chơi đùa để bé không có cảm giác gò bó. Đồng thời dành nhiều thời gian tâm sự, hỏi han về cảm nhận của bé ở lớp học, về cô giáo hay bạn học của bé. Điều quan trọng là bạn cần hỏi bé về sự chăm sóc của cô giáo, có hay đánh đập hay la mắng gì không, có thể bé sẽ không nói ngay với bạn được nhưng sẽ vô tình nói ra vào một thời điểm nào đó. Chính vì vậy, hãy để ý đến thái độ và lời nói của bé để biết cuộc sống mới của bé nhé.
#6. Kiểm tra đột xuất cô và trò
Việc này sẽ không cần thiết nếu con bạn được gửi ở một trường tư thục và có đầy đủ camera quan sát. Nếu không như vậy, bạn cần phải sắp xếp công việc để “kiểm tra” đột xuất cô và trò. Dĩ nhiên là bạn phải thật khôn khéo đưa ra những lí do như mang thêm đồ ăn dặm cho con, sợ cháu khóc hoặc là đơn giản vì quá nhớ con chẳng hạn. Cách nói này giúp các cô không bị áp lực công việc mà bạn vẫn có thể biết các cô đã chăm sóc con như thế nào.
Khi về nhà, trong lúc bạn chơi đùa hoặc tắm cần chú ý đến cơ thể trẻ, nếu thấy bé có các vết đỏ, bầm tím hay trầy xước… thì phải hỏi bé hoặc gọi ngay cho cô giáo. Tất nhiên là cô giáo sẽ không giải thích kĩ về vết đỏ hay bầm tím đó đâu, nhưng lúc bạn hỏi nghĩa là bạn biết về nó và các cô giáo cần chăm sóc trẻ cẩn thận hơn.