Những lưu ý khi quyết định giữ tế bào gốc máu cuống rốn cho trẻ sơ sinh

Trích máu cuống rốn là một phương pháp trong đó máu còn lại trong dây rốn của em bé và nhau thai sau khi sinh được thu thập, đóng băng và lưu trữ để dùng trong tương lai. Máu cuống rốn có giá trị vì có nguồn tế bào gốc phong phú – cơ sở để tạo ra máu và hệ miễn dịch trong cơ thể.

Tế bào gốc có khả năng phát triển thành các mô khác nhau và máu cuống rốn có thể dùng để chữa một số bệnh hiểm nghèo như máu trắng hoặc đột biến hồng cầu hình liềm. Dưới đây là những lưu ý khi quyết định giữ tế bào gốc máu cuống rốn cho trẻ sơ sinh để bố mẹ tham khảo!

#Nghiên cứu sơ bộ đầy hứa hẹn về tế bào gốc

Rất nhiều nghiên cứu y học đã đưa ra những dự báo lạc quan rằng một ngày nào đó, những bệnh nhân mắc bệnh ung thư không mang yếu tố di truyền có thể được chữa trị nhờ vào các tế bào gốc ở cuống rốn đã được lưu trữ lại khi họ chào đời.

Thí nghiệm trên cơ thể động vật cho thấy máu cuống rốn có thể được dùng để chữa trị bệnh tiểu đường, tổn thương tủy sống, bệnh suy tim, tai biến và một số bệnh thần kinh nghiêm trọng. Tuy nhiên, chưa có gì chắc chắn về tính khả thi của những dự đoán này mà còn cần nhiều nghiên cứu sâu hơn trên cơ thể con người.

#Chi phí dịch vụ cao

Phí lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn bao gồm chi phí đăng ký thực hiện, phí xét nghiệm và lấy mẫu máu và phí lưu trữ tại ngân hàng máu hàng năm. Tại nước ta, chi phí trích máu cuống rốn ban đầu là khoảng 20 – 25 triệu đồng và chi phí để lưu trữ mẫu trong ngân hàng máu cuống rốn quốc gia là khoảng 2,5 triệu đồng/năm. Đó chỉ là chi phí để thực hiện việc lưu trữ máu, khi bệnh nhân cần sử dụng sẽ tốn thêm một khoản phí không nhỏ để ghép máu nữa.

#Máu cuống rốn của trẻ đa số không dùng để điều trị cho chính trẻ

Nếu trẻ mắc phải những bệnh bắt nguồn từ gen, thông thường máu cuống rốn của trẻ có chứa gen chỉ định cho chứng bệnh đó, nên không thể dùng để điều trị bệnh cho chính trẻ được. Đa số các trường hợp ghép máu cuống rốn đã thực hiện là để chữa trị cho các anh chị em hoặc người thân của trẻ.

#Các bác sĩ không khuyến khích việc trích máu cuống rốn cho trẻ sơ sinh

Nhiều bác sĩ cho rằng khả năng một gia đình cần nguồn máu này rất ít, trừ khi có một hoặc nhiều thành viên trong gia đình, hoặc họ hàng gần huyết thống, được chẩn đoán mắc căn bệnh có thể được điều trị bằng cách ghép máu cuống rốn.

Tuy nhiên, nếu trẻ thuộc nhóm máu hiếm, việc lưu trữ sẽ rất hữu ích. Chẳng hạn những em bé con lai có khả năng tìm được mẫu hiến tặng phù hợp từ ngân hàng tế bào gốc thấp hơn hẳn những em bé khác, việc trích máu cuống rốn cho bé sau khi sinh sẽ đem lại sự an tâm hơn cho bố mẹ.

Nếu bạn quyết định trích máu cuống rốn cho bé, hãy tìm hiểu đầy đủ thông tin và trao đổi với bác sĩ phụ sản của bạn. Việc đăng kí trích máu cuốn rốn nên được thực hiện ở giai đoạn giữa của thai kỳ.

Trả lời