Cách xử lí nhanh và hiệu quả cho trẻ bị sốt sau khi đi tiêm phòng
Tiêm phòng được ví như lá chắn bảo vệ sức khoẻ bé yêu nhà bạn, giúp bé phát triển tốt và phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm. Đưa trẻ đi tiêm chủng đúng thời điểm và biết cách xử lí tại nhà khi trẻ gặp những biến chứng sau khi tiêm là rất cần thiết cho các ông bố bà mẹ.
Những phản ứng phụ thường gặp như trẻ hay quấy khóc, khó chịu, lười ăn hơn bình thường hay sốt từng cơn… sẽ đôi lúc khiến các bậc cha mẹ phải bối rối không biết phải làm gì. Hôm nay, Thế giới mẹ và bé chia sẻ cho bạn những cách làm dịu cơn đau sau khi tiêm phòng, giúp bé vượt qua những cơn đau một cách dễ dàng hơn.
#1. Chườm lạnh lên chỗ tiêm
Vùng da bị tiêm vắc-xin sau khi tiêm sẽ dễ sưng phồng hoặc bị viêm khiến trẻ đau đớn và khó chịu. Bạn có thể dùng một viên đá nhỏ áp lên lòng bàn tay hoặc khăn mỏng rồi áp tay nhẹ lên vết tiêm của bé nhằm hạn chế cơn đau và giảm nguy cơ bị viêm.
#2. Quan sát biểu hiện của trẻ
Sau khi tiêm vắc-xin tầm 1 – 2 ngày, bạn cần dành nhiều thời gian để quan sát những phản ứng của trẻ sau khi tiêm phòng. Lúc này cơ thể trẻ do chưa thích ứng được với thuốc nên có thể rất khó chịu. Bạn cần dành nhiều thời gian để chơi đùa và quan tâm trẻ nhiều hơn, đối với trẻ sơ sinh có thể dùng những cử chỉ tiếp xúc da để trẻ cảm nhận được bạn luôn ở bên cạnh chúng.
#3. Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt quá cao
Cơ thể trẻ rất nhạy cảm với những tác động bên ngoài nên việc trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng là hết sức bình thường. Những cơn sốt nhẹ sẽ chấm dứt từ sau 1 – 2 ngày, vì vậy cha mẹ cũng không nên quá lo lắng về điều này. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ bị sốt cao phải dùng đến thuốc hạ sốt. Trường hợp này cha mẹ cần chuẩn bị loại nhiệt kế điện tử để đo nhiệt độ của bé. Nếu bé sốt cao trên 38.5 độ C, cha mẹ nên cho bé uống thuốc hạ sốt theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt lưu ý đối với các bé dưới 3 tháng tuổi, cha mẹ cần sự đồng ý của bác sĩ mới được cho trẻ dùng thuốc hạ sốt.
#4. Bù nước và các chất điện giải
Khi trẻ sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt như oresol, cháo muối nấu loãng. Nếu là trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 3 tháng tuổi bạn hãy cho trẻ bú thường xuyên hơn. Cần đảm bảo cho bé chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ăn lỏng, dễ tiêu…
#5. Vệ sinh cơ thể cho trẻ
Cơ thể trẻ lúc này đang rất dễ bị xâm hại nên khi vệ sinh bạn cũng phải cần đặc biệt lưu ý. Nên lau mình hoặc tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín, không nên để trẻ bị cảm lạnh khi tắm, nhất là lúc trẻ ngủ vào ban đêm.
#6. Thân nhiệt trẻ quá cao và không giảm sau khi dùng thuốc
Có thể bạn đã áp dụng hầu hết các cách trên nhưng thân nhiệt của trẻ vẫn cao và không có dấu hiệu giảm. Điều cần thiết lúc này là bạn hãy đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra tình trạng của trẻ. Nếu bạn để quá lâu trẻ có thể bị co giật và để lại nhiều di chứng sau này.
#7. Chọn những mũi tiêm kết hợp hoặc những mũi tiêm không gây đau
Trước khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin, cha mẹ cần tham khảo với bác sĩ để được tư vấn các loại vắc-xin kết hợp thay thế cho vắc-xin trước đây. Những loại này thường tổng hợp nhiều loại vắc-xin với nhau và ít gây đau cho trẻ. Cha mẹ nên dành thời gian lựa chọn những mũi tiêm an toàn và ít gây tác dụng phụ nhất nhằm giảm thiểu những phản ứng phụ cho bé yêu của bạn.