Trẻ mắc quai bị có nguy hiểm không?
Thời điểm lập đông, trời chuyển se lạnh là lúc trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có quai bị. Bệnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp do nhiễm trùng qua tuyến nước bọt khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi 5 -14. Bệnh quai bị có thể tự điều trị tại nhà, nhưng với trường hợp bé sốt cao, ói mửa, nhức đầu hoặc bộ phận sinh dục sưng to thì cần phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Bệnh quai bị ở trẻ em
Quai bị (Mumps) là bệnh nhiễm trùng tuyến nước bọt do siêu vi trùng có tên Mumps, thuộc giống Rubulavirus, họ Paramyxoviridae gây ra. Mặc dù là loại bệnh lành tính song khả năng lây lan rất cao, đặc biệt đối với trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu.
Nguyên nhân gây bệnh quai bị
Bệnh quai bị gây nên do một loại virus thuộc Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae. Các nguyên nhân khác gây viêm tuyến mang tai gồm virus vùi hạt cự bào (cytomegalovirus-CMV), virus cúm type 1 và 3, virus cúm A (influenza A virus), coxsackievirus, virus ruột (enterovirus), virus gây suy giảm miễn dịch ở người (Human Immunodeficiency Virus-HIV), tụ cầu khuẩn và các Mycobacterium không gây lao khác.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ lớn chưa tiêm phòng quai bị và những người trưởng thành chưa có miễn dịch quai bị, tuy nhiên tỉ lệ ở người trưởng thành rất thấp. Thời gian ủ bệnh từ 6 ngày trước khi phát hiện và đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh.
Bệnh lây lan qua những đường nào?
Quai bị là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan trực tiếp qua đường hô hấp, khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ.
Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần.
Triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ
– Tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần, có thể sưng 1 hay 2 bên. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài.
– Trẻ mắc bệnh quai bị có cảm giác khó chịu, kém ăn, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm.
– Trẻ khó nói cũng như gặp khó khăn khi ăn uống
– Đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn.
Bệnh quai bị nguy hiểm như thế nào?
Biến chứng thường gặp nhất là viêm màng não. Đây là biến chứng lành tính, xuất hiện khi các triệu chứng sưng vùng mang tai đang giảm dần, trẻ sẽ đau đầu nhiều hơn, nôn ói, mệt mỏi.
Nhiều phụ huynh lo lắng về biến chứng khác của bệnh là viêm tinh hoàn ở bé trai và viêm buồng trứng ở bé gái. Đây là biến chứng thường xảy ra ở tuổi dậy thì (hơn 7 tuổi). Viêm buồng trứng thường hiếm gặp hơn viêm tinh hoàn. Biến chứng xuất hiện khi triệu chứng sưng vùng mang tai đã giảm.
Ở bé trai xuất hiện tình trạng sốt cao, đau đầu nhiều và đặc biệt là đau nhiều ở vùng bìu (nơi chứa tinh hoàn), có thể một hay hai bên. Đây là biến chứng cần điều trị đúng và kịp thời để tránh di chứng vô sinh sau này. Đối với trẻ gái, biến chứng viêm buồng trứng sẽ biểu hiện đau bụng nhiều và cần được siêu âm để chẩn đoán.
Khi chăm sóc trẻ mắc quai bị, cha mẹ cần lưu ý:
– Cần cho trẻ một chế độ nghỉ ngơi hợp lý: không cho trẻ vận động nhiều, đặc biệt trong trường hợp trẻ sưng tinh hoàn thì trẻ cần được nghỉ ngơi tuyệt đối.
– Chế độ dinh dưỡng: không kiêng cữ, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, thông thường các bé bị quai bị ăn uống rất khó khăn, cần phải chọn thức ăn mềm, dễ nuốt, nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
– Nếu trẻ sốt cao hoặc quá đau, có thể cho trẻ uống thuốc giảm sốt.
– Cho trẻ uống nhiều nước
– Trẻ mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học một thời gian sau khi bệnh hết hẳn để không lây cho các trẻ khác. Nên giữ trẻ trong nhà cho đến khi vùng sưng tấy có dấu hiệu giảm.
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ và tẩy uế sát trùng các chất dịch tiết ra.
– Chỉ nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tự ý bôi hoặc đắp, phun những loại thuốc dân gian ở tuyến mang tai đề phòng nhiễm độc.
Biện pháp phòng tránh bệnh
– Không nên cho trẻ tiếp xúc với người bệnh quai bị
– Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh khi đủ 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế vắc-xin chỉ ngừa được khoảng 80% nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, cha mẹ cũng cần có ý thức phòng ngừa bệnh cho trẻ đầy đủ để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh.