Bị dị ứng với rượu, bia phải làm sao?
Dị ứng với rượu, bia là một trong những dị ứng mà ít ai để ý tới nếu họ chưa một lần gặp phải. Việc lạm dụng rượu, bia quá nhiều không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng với nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo các nghiên cứu, rượu, bia liên quan đến nhiều phản ứng tức thì ngay sau khi sử dụng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng kéo dài khi sử dụng rượu, bia.
Nguyên nhân gây dị ứng với rượu, bia
– Cơ thể phản ứng do dị ứng trực tiếp với cồn: Những biểu hiện dị ứng rượu, bia thường gặp trong trường hợp này là nổi mề đay, phù Quincke hoặc sốc phản vệ. Bản thân cồn (Etanol) và các sản phẩm chuyển hóa của nó không có khả năng gây dị ứng. Nhưng khi kết hợp với protein trong cơ thể sẽ tạo ra dị nguyên hoàn chỉnh có khả năng gây ra dị ứng.
– Nồng độ Histamin trong cơ thể tăng cao: Theo nghiên cứu, cồn và Acetaldehyde (là sản phẩm được chuyển hóa từ cồn trong cơ thể) đều có khả năng trực tiếp phá hủy các tế bào Mast, giải phóng Histamin và những chất trung gian gây nên dị ứng. Những chất này còn có thể gây ức chế quá trình chuyển hóa cũng như đào thải Histamin được hấp thụ qua thức ăn. Dẫn đến nồng độ hoạt chất này tăng lên ở các tổ chức. Nồng độ Histamin tăng lên cũng chính là yếu tố góp phần gây hội chứng nóng bừng, làm bùng phát triệu chứng của hen phế quản và những bệnh dị ứng khác sau khi dùng rượu, bia. Một số nghiên cứu còn cho thấy, chất Hcetaldehyde còn có thể gây ra co thắt phế quản mạnh và gây nên cơn hen cấp tính.
– Do các chất phụ gia, tạp chất, chất bảo quản: như gốc Sulphite hoặc phẩm nhuộm cũng có thể là nguyên nhân chủ yếu gây ra phản ứng dị ứng rượu, bia.
Ngoài các nguyên nhân chính kể trên, hiện tượng dị ứng rượu, bia còn có thể là do cơ thể bị dị ứng với các loại nấm men sử dụng trong quá trình ủ rượu, bia từ tinh bột. Hay do người sử dụng có hệ mạch máu (máu O) mẫn cảm với rượu, bia. Hoặc cũng có thể là do chức năng gan bị suy giảm làm khả năng đào thải các chất độc từ rượu, bia kém hơn bình thường và dẫn đến các tác dụng phụ như vậy.
Những biểu hiện cho thấy bạn đang bị dị ứng với rượu, bia
Dị ứng rượu, bia với những biểu hiện thường gặp, có thể dễ dàng nhận biết ngay sau khi người bị ứng tiếp xúc hay trong vài giờ sau với những biểu hiện sau:
Da bắt đầu đỏ bừng lên, người nóng rang, bốc hoả và bắt đầu xuất hiện mẩn ngứa trên da.
Cảm thấy chóng mặt, đau đầu, tụt huyết áp, lo lắng, mệt mỏi, buồn ngủ, buồn nôn, nôn, tim đập nhanh,…
Ngoài ra, dị ứng rượu bia còn làm khởi phát hoặc làm trầm trọng triệu chứng của một số bệnh dị ứng đã có từ trước như: dị ứng thức ăn, viêm mũi dị ứng, nổi mày đay, hen phế quản, sẩn ngứa, sốc phản vệ do vận động,… ở những người có cơ địa nhạy cảm.
Hạn chế dị ứng với rượu, bia bằng cách nào?
Bia, rượu luôn là những thức uống không thể thiếu trong các bữa tiệc gia đình hay những buổi nói chuyện với đối tác làm ăn. Do đó, việc hạn chế hoàn toàn dùng rượu, bia hầu như là không thể. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kì loại thuốc hay phương pháp nào để phòng ngừa các phản ứng dị ứng từ rượu, bia.
Để hạn chế thấp nhất dị ứng rượu, bia, ngoài việc hạn chế sử dụng các chất kích thích này, bạn cần có cho mình một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý, tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để tăng cường thể trạng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, làm mạnh gan.
Trong trường hợp bạn bắt buộc phải sử dụng rượu, bia, bạn nên ăn no trước khi sử dụng. Tuyệt đối không nên để bụng đói. Vì như vậy, cơ thể sẽ hấp thụ các chất cồn và sản phẩm chuyển hóa của nó nhanh hơn, khiến các phản ứng dị ứng dễ diễn ra và diễn biến nặng hơn.