Bệnh giãn tĩnh mạch chân và xu hướng trẻ hoá

Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam – PGS.TS Đinh Thị Thu Hương cảnh báo về tình trạng bệnh giãn tĩnh mạch chân đang rất phổ biến và có xu hướng trẻ hoá ở phụ nữ.

Bệnh thường gặp đa số ở nữ giới do tính chất công việc phải đi đứng nhiều và mang giày cao gót. Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở 2 chi dưới, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan dần từ dưới lên.

Triệu chứng thường gặp

Người bị giãn tĩnh mạch thường gặp những triệu chứng trong giai đoạn đầu là phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng nề, hay bị chuột rút về đêm, kê cao chân khi ngủ sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt triệu chứng này.

Càng về sau, các triệu chứng này sẽ nặng dần và các tĩnh mạch giãn dần, xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da. Những đường tĩnh mạch bị giãn có thể nhìn thấy bằng mắt, nổi ngoằn ngoèo, có thể gây ra những đợt viêm tắc mạch với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, môi khô lưỡi dơ và chỗ tĩnh mạch bị viêm đỏ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng…

Xu hướng trẻ hoá

Giãn tĩnh mạch chân hay suy tĩnh mạch là loại bệnh mãn tính, thường gặp ở phụ nữ và người cao tuổi – chủ yếu do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Tuy nhiên ngày nay bệnh cũng đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới.

Đây là tình trạng chức năng của các tĩnh mạch chân bị suy yếu, tức là việc lưu thông máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Phụ nữ trong độ tuổi từ 35 – 50 là những người có nguy cơ mắc cao nhất, đa số họ làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều.

 

Ban đầu, người bệnh chỉ thấy những hình mạng nhện màu xanh hoặc đỏ ở bắp chân. Khi bệnh nặng dần về sau, máu bị ứ trệ ở chân khiến người bệnh có cảm giác khó chịu ở chân: mỏi chân, căng tức cơ bắp,… và có biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ (phải luôn luôn thay đổi trạng thái của chân như rung hoặc gác chân mới có cảm giác thoải mái). Tình trạng nặng hơn màu sắc của da ở vùng chân có thể bị thay đổi, loạn dưỡng và chàm hoá da.

Trường hợp người bệnh không được điều trị đúng cách hay chủ quan không điều trị, chân sẽ bị loét ở vùng cổ chân. Bệnh dễ dẫn đến nhiều biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, dẫn đến tử vong. Ngoài ra, bệnh còn gây sưng, mỏi chân; làm cho cảm giác người bệnh như có kiến bò dọc cẳng chân, nặng bắp chân; chuột rút khi ngủ về đêm. Tuy nhiên đa số chúng ta lại thờ ơ với bệnh vì ngại phải đi khám bệnh, chỉ nghĩ thông thường là đi cả ngày bị mỏi, mang giày quá chật, vận động nhiều,…

Những biến chứng của bệnh

Giãn tĩnh mạch là bệnh rất nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm để điều trị phù hợp, bệnh giãn tĩnh mạch chân sẽ có những biến chứng. Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.

– Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.

– Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.

– Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Phòng tránh và điều trị bệnh thế nào cho đúng cách?

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý mang tính xã hội, liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc. Vì vậy, khuyến cáo chung là nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, nhất là nhân viên văn phòng, không nên ngồi làm việc một chỗ liên tục trong suốt buổi làm việc, tranh thủ giải lao, đi lại vận động vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30 – 60 phút. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các bài tập vận động chân như co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót… để máu lưu chuyển tốt hơn. Ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin. Nên tập thể dục để giảm cân như: bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh.

 

Trả lời