Bệnh hậu sản và các kiến thức phụ khoa sau khi sinh
Qúa trình sinh nở không thuận lợi hay người mẹ không biết cách giữ đúng vệ sinh có thể dẫn đến các bệnh phụ khoa sau khi sinh làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khoẻ của người mẹ lẫn đứa bé. Vì vậy các mẹ cần nắm vững những kiến thức về bệnh hậu sản để phòng ngừa sau khi sinh nở.
1. Bệnh hậu sản là gì?
Theo khoa học hiện đại, hậu sản là thời kỳ khoảng 6 tuần sau khi sinh. Sở dĩ tính thời kỳ hậu sản vì khi mang thai, các cơ quan sinh dục của người mẹ phát triển để thích nghi với việc có em bé. Khoảng thời gian 6 tuần là đủ để các cơ quan sinh dục (ngoại trừ tuyến vú vẫn phát triển để nuôi con) hồi phục trở lại.
Tất cả phụ nữ sau khi sinh đều phải trải qua thời kỳ này. Tuy nhiên, việc sinh con của các mẹ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn tâm lý và tinh thần. Vì vậy, phụ nữ trong giai đoạn này cần được chăm sóc đặc biệt hơn, nếu không sẽ rất dễ mắc các bệnh lý được gọi là bệnh hậu sản.
2. Các loại bệnh hậu sản thường gặp
+ Sản dịch là gì và thường kéo dài trong bao lâu
Sản dịch chính là dịch ở tử cung và đường sinh dục chảy ra ngoài trong những ngày đầu của thời kỳ hậu sản. Bao gồm máu cục và máu loãng chảy từ niêm mạc tử cung. Trong 3 ngày đầu, sản dịch sẽ có màu đỏ sẩm do chứa toàn máu loãng và cục máu nhỏ. Tiếp 4 ngày sau đó, sản dịch sẽ loãng hơn và có màu giống máu cá. Từ ngày thứ 9 trở đi sản dịch không chứa máu mà chỉ là dịch trong hoặc trắng đục chứa lượng lớn bạch cầu và mô màng tử bị hoại tử. Trong khoảng 2 đến 3 tuần tiếp theo, hiện tượng này sẽ chấm dứt.
Ở những ngườ mẹ sinh con đầu lòng, việc cho con bú sẽ làm sản dịch hết nhanh hơn do tử cung co hồi nhanh hơn. Người mổ đẻ thường, sản dịch thường ít hơn so với đẻ thường. Nếu có hiện tượng sản dịch ra nhiều, kéo dài hoặc đã hết huyết đỏ thẫm, lại ra máu tái thêm lần nữa thì cần phải theo dõi sót rau khi sinh.
+ Đau tử cung
Sau khi sinh tử cung của người mẹ vẫn còn máu cục và sản dịch nên thường gặp những cơn đau ở tử cung do sự co bóp mạnh để tống các chất dư thừa ra bên ngoài. Hiện tượng này đa số ở những người sinh con thứ 2 trở lên, bởi vì lúc này cơ tử cung đang yếu dần đi, tử cung càng phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu cục và sản dịch ra bên ngoài. Nếu vượt quá mức chịu đựng, các mẹ có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sỹ. Cơn đau tử cung sẽ mạnh nhất vào ngày đầu tiên và nhẹ dần đi, thông thường ngày thứ 3 sau khi sinh sẽ dứt hẳn.
+ Chảy máu sau sinh( băng huyết )
Băng huyết là tai biến sản khoa hay gặp nhất, thường xảy ra trong vòng 24h sau khi sinh và là nguyên nhân chính gây tử vong cho sản phụ.
Biểu hiện chung của trường hợp này là sản phụ chảy máu nhiều sau đi sinh và sổ rau. Mất máu quá nhiều dẫn đến sản phụ bị choáng, xanh xao, huyết áp tuột, mạch đập nhanh, khát nước, chân tay lạnh, vã mồ hôi,… Nếu phát hiện tình trạng trên, người nhà phải báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp chữa trị kịp thời.
+ Nhiễm khuẩn hậu sản
Nhiễm khuẩn hậu sản là bệnh xảy ra ở sản phụ sau khi sinh và nguyên nhân chính bắt nguồn từ đường sinh dục. Vi khuẩn gây bệnh có thể từ dụng cụ đỡ đẻ, người đỡ đẻ, cơ thể sản phụ,…
Môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển : nhiễm độc thai nghén, thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, vỡ ối non, chuyển dạ kéo dài, ứ sản dịch, có tiền sử viêm âm đạo, viêm cổ tử cung từ trước,…
Biểu hiện ban đầu có thể là sốt nhẹ (>38 độ C), mệt mỏi, chán ăn, đau và sưng mủ vùng bị viêm, sản dịch hôi,… Nặng hơn sản phụ có thể bị sốt cao kéo dài, rét run choáng váng, huyết áp tuột,.. Nếu người nhà hoặc sản phụ nhận thấy những triệu chứng trên cần phải đưa ngay tới bác sĩ để điều trị, đảm bảo sức khoẻ cho sản phụ và sự phát triển của bé.
3. Cách phòng ngừa bệnh hậu sản
Sau khi sinh, sản phụ nên ở lại bệnh viện tối thiểu 3 ngày để tiện cho các bác sĩ chăm sóc và theo dõi. Cần chú ý đến: huyết áp, dấu hiệu choáng váng, sốc, đề phòng và cấp cứu kịp thời băng huyết, sản giật. Sản phụ nên xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, vận động nhẹ và đi lại ngay khi có thể, theo dõi lượng nước tiểu, số lần đi đại tiện để hạn chế bị liệt ruột và bàng quang. Ngoài ra cũng cần theo dõi sự co của tử cung, màu, số lượng, mùi của sản dịch, sắc mặt, màu lưỡi, thể chất và tinh thần của sản phụ.
Nên tạo cho sản phụ một môi trường thoải mái dễ chịu, bản thân sản phụ cũng nên chia sẻ với người thân, bạn bè về công việc lẫn tình cảm để tạo một tinh thần tốt nhất. Đặc biệt, sản phụ nên nhờ chồng chia sẻ gánh nặng con cái và việc nội trợ, để giảm bớt mệt mỏi căng thẳng. Nên chia sẻ mọi thứ với chồng của mình, tinh thần tốt sẽ giúp sản phụ hạn chế nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh.