10 kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản cho trẻ bố mẹ cần phải nắm rõ
Trẻ em thường rất hiếu động, nghịch ngợm nhưng không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể kiểm soát con mình luôn luôn an toàn được. Đôi lúc những trường hợp bất trắc xảy ra, bạn phải tự biết cách sơ cấp cứu cho trẻ trong những những trường hợp nguy cấp. Bố mẹ đừng chủ quan vì những kỹ năng sơ cứu này là thật sự cần thiết nếu nhà bạn có sự hiện diện của trẻ nhỏ. Hãy cùng Baby Plaza tham khảo 10 kỹ năng sơ cấp cứu cơ bảnnày nhé!
1. Sơ cấp cứu khi trẻ bị điện giật
Điều trước tiền bạn cần làm là tìm cách ngắt nguồn điện ngay lập tức. Trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với trẻ thì bạn cần chọn nơi cách điện rồi dùng vật cách điện như chổi, thanh gỗ,… để đẩy bé ra khỏi nguồn điện.
Ngoài ra nếu bạn tìm thấy sợi dây thừng hay tương tự thì hãy vòng dây qua người, cánh tay hay cổ chân để kéo trẻ ra khỏi nguồn điện. Sau đó hãy kiểm tra hơi thở của trẻ, nếu trẻ bất tỉnh những vẫn thở được thì cần đặt con ở tư thế hồi phục. Gọi cho xe cấp cứu để các bác sĩ có thể kiểm tra sơ cứu cho bé tốt nhất.
Cách tốt nhất để phòng tránh những sự cố đáng tiếc như này là bố mẹ nên đặt các thiết bị điện ở xa tầm tay của trẻ.
2. Sơ cấp cứu khi trẻ bị đuối nước
Bằng mọi cách bạn phải đưa trẻ khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Sau đó quan sát nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không. Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở ½ dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa trẻ đi viện. Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.
3. Sơ cấp cứu khi trẻ bị bỏng
Ngay khi phát hiện trẻ bị bỏng, bạn cần phải làm mát vùng da bỏng cho trẻ dưới vòi nước mát chảy liên tục. Tuyệt đối không được dùng kem đánh răng hay nước đá để chườm, những cách này chỉ làm cho bóng nước bỏng mỏng dễ vỡ hơn và gây tổn thương nặng hơn cho vùng da đó, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
Mẹ có thể dùng Penthanol hay dầu mù u để giảm đau rát cho trẻ nếu vết bỏng nhẹ. Kể cả nhẹ hay nặng thì mẹ cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu nhiễm trùng do vết bỏng gây ra.
4. Trẻ bị hóc xương hay nuốt phải dị vật
Trường hợp này mẹ cần phải bình tĩnh đưa trẻ đến bệnh viện, không nên tự ý sơ cấp cứu bằng những mẹo dân gian như nuốt cơm, vỗ lưng… Những việc làm chỉ làm cho sự việc nghiêm trọng hơn, nếu để lâu xương bị đẩy xuống sâu hơn, khó lấy ra và gây ra nhiều biến chứng như thủng thực quản, nhiễm trùng huyết,… rất nguy hiểm.
Bố mẹ cũng nên chú ý không cho trẻ chơi những đồ chơi nhỏ, dễ nuốt hoặc những loại trái cây có hạt như nhãn, chôm chôm,… vì trẻ còn nhỏ sẽ chưa biết lười hạt ra, khi nuốt phải sẽ dẫn tới ngạt thở dẫn đến tử vong.
5. Sơ cấp cứu khi trẻ bị rắn cắn
Khi trẻ bị rắn cắn, nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách, trường hợp nặng nhất trẻ có thể tử vong nhanh do biến chứng suy hô hấp, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu. Bạn cần phải xử lý nhanh và dứt khoát. Ngay lập tức rửa vết cắn của bé dưới vòi nước, sau đó dùng gạc vô trùng đắp lên vùng da bị rắn cắn. Kê cao và giữ yên phần cơ thể bị rắn cắn để máu độc không chảy về tim, đưa trẻ đến bệnh viện ngay sau đó. Bạn tuyệt đối không làm theo bất cứ mẹo dân gian nào tránh làm tình hình vết thương của trẻ trầm trọng thêm.
6. Sơ cấp cứu khi trẻ bị ong đốt, côn trùng cắn
Điều đầu tiên mẹ cần làm là rửa sạch vùng da trẻ bị cắn, đốt hoặc chích. Chườm đá lên để giảm đau và sưng. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện ngay sau đó.
7. Sơ cấp cứu khi trẻ bị ngộ độc
Nếu bạn tin rằng con mình đã lỡ hít phải hay nuốt phải chất độc như chất tẩy rửa, thuốc độc hại,… hãy gọi ngay cấp cứu và giữ cho trẻ im cho đến khi các bác sĩ đến. Bạn cũng nên tìm hiểu xem trẻ đã nuốt thứ gì và mang theo vỏ hộp đến bệnh viện để tiện cho các bác sĩ điều trị kịp thời. Không nên bắt con nôn ra vì sẽ gây tổn thương cho dạ dày và đường ống của trẻ.
Còn nếu con tự nôn ra thì hãy mang theo chỗ đó tới bệnh viện để phân tích kết quả. Nếu trẻ nuốt phải thứ gì đó gây bỏng họng thì hãy cho con uống nhấp một ít nước hoặc sữa để làm dịu mát bên trong họng cho con.
8. Sơ cứu khi trẻ bị ngất
Ngay khi phát hiện bạn phải gọi cấp cứu, bên cạnh đó cũng cần làm nhưng động tác sơ cứu sau đây:
Một tay nâng cằm bé lên và tay kia ấn trán bé xuống để ngửa đầu ra. Đường không khí được mở thì hãy lắng nghe hơi thở của trẻ.
Nếu không thấy trẻ thở thì hãy dùng phương pháp hô hấp nhân tạo: Ngửa đầu ra, nâng cằm lên và bịt mũi và hít một hơi thật sâu, gắn miệng lên miệng trẻ và thổi hơi vào miệng bé trong 1 giây. Lặp lại thao tác trên không quá 5 lần, kiểm tra xem ngực bé phồng lên không. Nếu không hãy kiểm tra xem có vật cản gì trong miệng bé không và vẫn cần đảm bảo đầu phải ngửa ra.
Đặt ngón tay lên xương ức của trẻ. Ấn nhanh và mạnh với tốc khoảng 100 lần/phút. Sau 30 cái thì hãy hà hơi thổi ngạt cho bé để đưa oxy vào phổi. Sau 2 lần hà hơi thổi ngạt, lại ấn ngực. Lặp lại chu kỳ cho đến khi hơi thở trở lại.
9. Sơ cứu khi trẻ bị say nắng
Vào những ngày nắng nóng, trẻ chơi đùa ngoài trời nhiều rất dễ bị say nắng. Khi phát hiện thấy bé có dấu hiệu tăng thân nhiệt, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mẹ nên nhanh chóng đưa bé vào bóng mát, cho bé uống nước từng ngụm một, để bé hồi phục từ từ. Không nên ngay lập tức đưa bé vào phòng lạnh đột ngột, vì như vậy chỉ làm cơ thể bé thêm suy yếu.
10. Sơ cứu khi trẻ bị bong gân
Nếu bạn nhìn chân trẻ có dấu hiệu bị bong gân thì việc đầu tiên hãy cho trẻ ngồi xuống. Tiếp đó cho một ít đá vào khăn mặt và áp lên chỗ bị đau khoảng 10 phút để giảm sưng tấy. Cần băng vết thương cẩn thận và giữ cho chỗ đau đó ở trên cao để làm giảm lượng máu đồ về vết thương để đỡ sưng tấy hơn.