Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ

Thời điểm giao mùa, trẻ sẽ dễ bị nhiễm các bệnh ngoài da, nhất là bệnh tay chân miệng. Tay chân miệng là một loại bệnh vô cùng nguy hiểm, hiện chưa có thuốc chữa hay vacxin phòng ngừa nên khả năng trẻ tử vong cao nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách. Các mẹ hãy cùng Thế giới mẹ và bé tìm hiểu về Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ nhé.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Tác nhân chính gây bệnh là virut EV71, thông qua đường tiêu hoá, đi vào đường ruột, từ đó xâm nhập vào hệ bạch huyết rồi vào các cơ quan trong đó có hệ thần kinh trung ương. Nếu trẻ không được điều trị đúng cách sẽ dẫn tới hệ quả là viêm não, khả năng tử vong cao hoặc để lại di chứng lớn. Con đường trực tiếp của bệnh chính là trẻ hay đưa đồ chơi có chứa mầm bệnh vào miệng. Ngoài ra còn khả năng do trẻ ăn phải thức ăn chứa mầm bệnh.

Các dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng được chia làm 4 giai đoạn, bao gồm:

Giai đoạn ủ bệnh: Từ 3 – 7 ngày khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây

Giai đoạn khởi phát bệnh: Từ 1 – 2 ngày đi kèm các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát bệnh:

Kéo dài từ 3 đến 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như:

– Loét miệng: vết loét đỏ hay bỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi.

– Nôn, sốt nhẹ, nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ gây biến chứng.

– Phát ban dạng bỏng nước: xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, mông; tồn tại trong khoảng thời ngắn (7 ngày) khi hết để lại vết thâm.

– Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh.

Giai đoạn lui bệnh: Thường vào khoảng 3 – 5 ngày sau, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng gì xảy ra.

Cần làm gì khi biết trẻ bị tay chân miệng

Khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học và cách li để tránh lây lan cho các trẻ khác.

Các mẹ có thể tự xử lí tại nhà nếu trẻ chỉ mắc bệnh ở mức độ nhẹ. Lúc này trẻ sẽ ăn uống khó khăn hơn vì các tổn thương ở niêm mạc miệng đây đau, có thể dẫn đến hạ đường huyết. Lời khuyên cho các mẹ là:

– Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0.9%, Kamistad,…

– Cho trẻ ăn ít và chia làm nhiều bữa, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng như cháo, sữa.

– Vệ sinh da cho trẻ tránh bị bội nhiễm khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt. Dùng dung dịch betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Cách phòng bệnh tay chân miệng

Vì tính chất bệnh nguy hiểm và chưa có vacxin phòng bệnh nên việc giữ vệ sinh thân thể và đường ăn uống là các biện pháp chủ yếu được các bà mẹ hiện nay áp dụng:

– Làm sạch môi trường sống xung quanh, đặc biệt đồ chơi trẻ nên được cọ rửa thường xuyên.

– Tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh như những trẻ đang mắc bệnh

– Rửa tay cho trẻ thường xuyên với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh

– Trẻ bị bệnh nên cho nghỉ học ngay để tránh lây lan cho trẻ khác cho tới khi trẻ khoẻ hẳn.

Trả lời