Mẹo giúp trẻ bỏ thói quen mút tay

Mút tay là thói quen mà hầu hết đứa trẻ nào cũng có. Đây là vấn đề mà bà mẹ nào cũng lưu tâm và lo lắng không biết làm cách nào để bé từ bỏ nó. Có nhiều nguyên nhân như bé quen ngậm ti khi bú mẹ hoặc trẻ đói bụng,… dần dần nó trở thành thói quen. Bài viết này Thế giới mẹ và bé sẽ gửi đến bạn những lí do tại sao trẻ thường hay mút tay và bạn nên làm gì để trẻ từ bỏ thói quen này.

Thói quen mút tay bắt đầu như thế nào?

Khi còn trong bụng mẹ, nhiều em bé đã cho sâu ngón tay vào trong miệng, được xem như là một bản năng ăn sâu từ lúc bé chưa chào đời. Khi đã chào đời, mút tay là cách để giúp bé cảm giác như được ngậm ti mẹ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp sau khi bú no sữa mẹ, bé vẫn mút tay. Đó là cách để trẻ đối phó với áp lực và căng thẳng cũng như là thú vui của trẻ.

Khi thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, bé có thể cho cả một bàn tay hoặc ngón chân vào miệng. Nhất là lúc trẻ mọc răng, mút tay giúp làm dịu những cơn đau nướu hiệu quả. Một số trẻ cũng mút tay như một cách để dễ đi vào giấc ngủ. Khi mới chập chững, mút tay đóng vai trò như núm vú, giúp trẻ bớt sợ hãi.

Những vấn đề trẻ gặp phải khi mút tay

– Trẻ luôn thích khám phá và chạm vào tất cả mọi thứ chúng nhìn thấy. Khi trẻ đưa ngón tay vào miệng, tất cả mầm bệnh từ tay đi vào hệ tiêu hoá dẫn đến các bệnh viêm nhiễm dạ dày, đặc biệt là trong mùa lạnh.

– Hàm và răng của trẻ khá mềm vì nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Mút tay thường xuyên có thể điều chỉnh lại hình dạng hàm và xô lệch vị trí của răng, rất khó để nắn lại như ban đầu.

– Mút tay quá nhiều có thể gây tổn thương làn da mỏng manh quanh ngón tay của trẻ. Nếu da quá mỏng sẽ rất dễ dẫn đến nhiễm trùng quanh móng.

– Trong một số trường hợp, mút tay quá nhiều có thể làm giảm sự phát triển vòm họng của trẻ. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát âm tròn vành, rõ chữ và chuẩn.

– Ngoài ra, hành động mút tay được xem là hành vi “của trẻ con”, những đứa trẻ vẫn còn mút tay khi đi học sẽ dễ bị bạn bè trêu chọc và bắt nạt hơn.

Các phương pháp giúp trẻ ngừng mút tay

Nghiên cứu cho thấy khoảng 94% trẻ sẽ ngừng mút tay khi lên một tuổi và chấm dứt hẳn trước khi đi học. Tuy nhiên số ít còn lại vẫn giữ thói quen này. Nếu cha mẹ trừng phạt, đe doạ hay tạo áp lực cho con thì chỉ có thể phản tác dụng, vì vậy bạn cần phải kiên trì và dịu dàng với trẻ. Dưới đây là một số cách đơn giản để dừng ngay thói quen mút tay của trẻ:

 

– Đối với nhiều trẻ, mút ngón tay là một thói quen họ làm mà không nghĩ. Khi bạn thấy con mút ngón tay, đánh lạc hướng trẻ với một cái gì đó. Tốt nhất, thu hút trẻ với các hoạt động đòi hỏi cả hai tay.

– Nếu con của bạn mút ngón tay để bình tĩnh lại, tìm cho bé các phương pháp thay thế như yoga cho trẻ hay nghe nhạc êm dịu. Dần dần, trẻ sẽ học được cách để làm mình bĩnh tĩnh mà không cần mút ngón tay.

– Nếu trẻ mút ngón tay do đang mọc răng, bạn có thể thử các phương pháp tự nhiên làm trẻ bớt khó chịu khi mọc răng.

– Xác định các thời điểm trong ngày khi bé mút ngón tay. Nó có thể là trước bữa ăn hay buổi chiều nhàm chán. Nếu trẻ có thời gian biểu cố định, tìm cách thu hút trẻ trước khi bé mút tay.

– Đeo găng có thể hạn chế trẻ mút ngón tay. Có thể bé sẽ la hét và khó chịu ban đầu nhưng dần dần sẽ hết.

– Một phương pháp khác hơi khó chịu một chút nhưng hiệu quả là bôi nước cốt chanh hoặc giấm lên các đầu ngón tay. Vị chua sẽ khiến bé sợ mỗi lần đưa tay lên miệng.

Trả lời