Dậy thì sớm ở trẻ và cách phòng ngừa

Trẻ dậy thì sớm sẽ gây ra những vấn đề liên quan đến sức khỏe, cấu trúc xương… ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của trẻ. Vậy nguyên nhân nào gây dậy thì sớm. Việc điều trị và phòng ngừa như thế nào?

Phần lớn trẻ bước vào tuổi dậy thì sớm không cần thiết phải điều trị. Ở những trẻ cần điều trị, mục tiêu điều trị thường hướng đến làm chậm lại quá trình này.

Dưới đây là một số thông tin cơ bản về nguyên nhân của dậy thì sớm và những ảnh hưởng của dậy thì sớm lên con bạn.

Dậy thì sớm là gì?

Trung bình, tuổi dậy thì bắt đầu ở các bé gái trong độ tuổi từ 8 đến 13 tuổi, ở các bé trai là từ 9 đến 14 tuổi.

Bác sỹ sẽ chẩn đoán dậy thì sớm khi quá trình hết sức tự nhiên này diễn ra sớm hơn độ tuổi dậy thì nói trên và tiếp tục diễn biến qua thời kỳ tăng trưởng và trưởng thành xương mà không rõ lý do. Dậy thì sớm nếu bé gái có các dấu hiệu chính của tuổi dậy thì và tiếp tục phát triển trước 7 tuổi và với bé trai là trước 9 tuổi. Tại Mỹ, cứ 5.000 trẻ thì sẽ có 1 trẻ bị ảnh hưởng của dậy thì sớm.

Có 2 dạng dậy thì sớm, đó là dậy thì sớm ngoại vi và dậy thì sớm trung ương.

Dậy thì sớm ngoại vi là một dạng dậy thì sớm khác, hiếm gặp hơn. Hormone estrogen và testosterone gây ra các biểu hiện của dậy thì. Nhưng não và tuyến yên không chịu trách nhiệm cho việc này. Đây thường là vấn đề cục bộ tại buồng trứng, tinh hoàn, tuyến thượng thận hoặc do suy giáp nặng.

Có một số tình trạng khác gây ra các biểu hiện cũng giống như dậy thì sớm và đôi khi có thể gây nhầm lẫn cho các bậc phụ huynh, thậm chí là cả các bác sỹ nhi khoa, nhưng thật ra đó không phải là dậy thì sớm. Ví dụ như:

  • Tuyến vú phát triển sớm đơn độc: Là sự phát triển sớm của vú khi còn ít tuổi. Tình trạng này thường xảy ra với các bé gái khi mới được vài năm tuổi. Trong khi tình trạng này làm các bậc cha mẹ lo lắng thì nó lại có thể tự biến mất và không thực sự là dậy thì sớm. Tình trạng này không cần phải điều trị nhưng nên được đánh giá và theo dõi.
  • Lông phát triển sớm: là sự phát triển sớm của lông vùng nách hoặc một số vùng cơ thể khác ở lứa tuổi nhỏ. Nguyên nhân có thể là do tuyến thượng thận giải phóng hormone quá sớm. Và một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, tình trạng này trông có vẻ đáng lo ngại nhưng thực sự, đó không phải là vấn đề lớn và không phải là dấu hiệu của dậy thì sớm. Tuy nhiên, bởi vì tình trạng này có thể là dấu hiệu đầu tiên của một bất thường và sự giải phóng quá mức của hormone tuyến thượng thận, nên tình trạng này nên được lượng giá bởi các bác sỹ.

Rất nhiều chuyên gia nói rằng, trung bình, tuổi dậy thì đang bắt đầu sớm hơn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, tuổi trung bình để bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt thì vẫn gần như không đổi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiện nay các dấu hiệu sớm, như phát triển vú, đang xảy ra sớm hơn khoảng 1 năm so với 10 năm trước đây.

Dậy thì sớm trung ương là dạng phổ biến hơn. Quá trình này được nhận ra với các biểu hiện thông thường của tuổi dậy thì, nhưng xảy ra sớm hơn. Tuyến yên chịu trách nhiệm sản xuất ra hormone, được gọi là các hormone điều hòa tuyến sinh dục (gonadotropins). Những hormone này sẽ kích thích tinh hoàn hoặc buồng trứng tạo ra các hormone sinh dục, như testosterone hoặc estrogen. Đây là những hormone sinh dục tạo ra những thay đổi thể chất và tâm lý khi bước vào tuổi dậy thì, ví dụ như việc phát triển ngực ở các bé gái.

Nguyên nhân của dậy thì sớm trung ương

Trong đa số trường hợp, các chuyên gia không biết nguyên nhân chính xác của tình trạng dậy thì sớm trung ương, đặc biệt là ở bé gái.

Đôi khi, tình trạng dậy thì sớm trung ương có nguyên nhân là do các vấn đề về y học. Các nguyên nhân tiềm ẩn thường rất phổ biến ở các bé trai dưới 6 tuổi, đặc biệt là nếu như các dấu hiệu dậy thì phát triển rất nhanh. Bao gồm:

  • Viêm nhiễm tại não, đôi khi là do nhiễm trùng
  • Tổn thương về não, cả do phẫu thuật hoặc các thay đổi về cân bằng hormone trong não
  • U hoặc sự phát triển bất thường khác (thường là lành tính)

Dấu hiệu của dậy thì sớm

Dấu hiệu của dậy thì sớm và dậy thì thông thường khá giống nhau. Điểm khác nhau chỉ là về mặt thời gian xuất hiện các dấu hiệu đó. Các dấu hiệu bao gồm:

  • Với bé gái:
  • Phát triển vú (thường là dấu hiệu đầu tiên).
  • Có kinh nguyệt (thường sau 2-3 năm từ khi dấu hiệu sớm nhất bắt đầu xuất hiện).
  • Với bé trai:
  • Phát triển tinh hoàn, dương vật và bìu.
  • Giọng trầm hơn (thường là dấu hiệu muộn của tuổi dậy thì).
  • Phát triển xương tăng vọt là một dấu hiệu khác của dậy thì sớm ở cả bé trai và bé gái.

Cách phòng tránh trẻ dậy thì sớm

1. Điều chỉnh ăn uống phù hợp

Tránh quá thừa dinh dưỡng, đặc biệt là tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, ăn ít đồ ngọt, nhưng cần đảm bảo lượng dung nạp của protein, đồng thời nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, tránh không cho trẻ sử dụng thực phẩm chức năng và các sản phẩm dinh dưỡng, kem dưỡng da chứa nội tiết tố.

2. Hạn chế ăn đồ ăn nhanh

Có một nghiên cứu chỉ ra rằng, những trẻ em mỗi tuần ăn từ 2 lần thức ăn nhanh trở lên và thường xuyên ăn những thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ thì khả năng dậy thì sớm là cao hơn gấp 2,5 lần so với những đứa trẻ bình thường.

Vì vậy nên hạn chế cho các bé ăn đồ ăn nhanh và dùng trái cây tươi thay thế cho các loại thực phẩm chiên rán.

3. Tăng cường hoạt động thể dục thể thao

Đặc biệt là tăng cường luyện tập chân, mỗi ngày nên đảm bảo tập luyện 30 phút, các môn thể dục thích hợp là chạy bộ, leo cầu thang và nhảy dây.

4. Đảm bảo ngủ đầy đủ

Mỗi ngày cần ngủ chất lượng cao đủ 8-9 tiếng để đảm bảo tuyến yên ban đêm tiết ra đủ hoocmon phát triển, bởi vì hoocmon phát triển có tác dụng thúc đẩy quan trọng giúp cơ thể trẻ nhanh phát triển chiều cao.

5. Tạo môi trường tự nhiên

Trong môi trường sinh hoạt, cố gắng tạo ra một môi trường thiên nhiên cho trẻ, khống chế số lượng đồ dùng bằng nhựa. Hiện tại, trên thế giới bắt đầu lưu hành các đồ chơi nghiêng về thiên nhiên như gỗ không phun sơn. Ngoài ra, không nên cho trẻ tiếp xúc với nhiều kích thích thị giác không phù hợp với tuổi tác.

Lời khuyên dành cho cha mẹ

Làm cha mẹ, lo lắng về việc dậy thì sớm của con mình là điều hết sức bình thường. Nếu con bạn có những dấu hiệu của dậy thì sớm, nên đi khám bác sỹ nội tiết chuyên về nhi khoa. Tuy nhiên, cả cha mẹ và các bé không nên quá lo lắng và sợ hãi khi được chẩn đoán dậy thì sớm.

Dưới đây là một số điều nên ghi nhớ:

  • Triệu chứng giống với dậy thì sớm đôi khi lại không liên quan đến việc dậy thì sớm và sẽ tự biến mất.
  • Khi bác sỹ và cha mẹ quyết định điều trị cho trẻ, việc điều trị thường khá hiệu quả.
  • Đa số trẻ em có dấu hiệu dậy thì sớm thường phát triển bình thường, về thể chất, tâm lý và xã hội.

Trả lời